Chậm mua cổ phiếu, săn bất động sản chờ thời
Năm 2022 có thể nói là một năm khủng hoảng của thị trường chứng khoán khi các cổ phiếu giảm sâu, tài khoản hầu hết nhà đầu tư đều trong tình trạng âm nặng. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 15,3%, lên 1.051,81 điểm. Mức tăng này khá bất ngờ đối với các nhà đầu tư, giúp một số cổ phiếu hồi phục tăng 50 - 70% từ mức đáy.
Những nhà đầu tư bắt đúng nhịp hồi phục này thu lợi cao. Dù vậy, nếu so với đầu năm 2022, VN-Index vẫn đang giảm gần 30% và hàng loạt cổ phiếu vẫn đang mất 50 - 60% giá trị. Cơ hội mua cổ phiếu rẻ mở ra nhưng nỗi lo thị trường lao dốc kéo dài vẫn ám ảnh các nhà đầu tư. Nhưng lãi suất tiết kiệm hiện ở mức cao đang được đánh giá khá hấp dẫn dòng tiền nhàn rỗi
Đặt vấn đề này lên bàn chuyên gia đầu tư chứng khoán Phan Dũng Khánh, ông cho rằng mức tăng trở lại gần đây của chứng khoán chỉ là đang hồi phục ngắn sau một đợt giảm mạnh. Xét về xu hướng, chu kỳ điều chỉnh của thị trường vẫn chưa kết thúc sau thời gian dài tăng cao trước đó. Xu hướng lãi suất trong và ngoài nước vẫn còn tăng cao. Hơn nữa, dòng vốn từ các ngân hàng vẫn đang được định hướng và ưu tiên vào các ngành kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán hay bất động sản sẽ khó có dòng tiền tham gia nhiều như trước đây.
Thị trường chứng khoán hiện nay đỡ xấu hơn vài tháng trước nhưng cũng chưa thể tăng cao trở lại mà chủ yếu tích lũy. Chỉ khi nào lãi suất tiền gửi trong ngân hàng giảm trở lại trong môi trường dòng vốn không còn mang tính kiểm soát chặt thì cổ phiếu mới có cơ hội lên cao hơn. Giai đoạn hiện nay chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm mua bán ngắn hạn. Còn những nhà đầu tư mới nên quan sát và đợi qua Tết âm lịch để có đánh giá thêm hoặc xu hướng thị trường chứng khoán trở nên rõ hơn.
Giai đoạn hiện nay chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm mua bán ngắn hạn. Còn những nhà đầu tư mới nên quan sát và đợi qua Tết âm lịch để có đánh giá thêm hoặc xu hướng thị trường chứng khoán trở nên rõ hơn.
Mặc dù không “sốt xình xịch” như những tháng đầu năm nhưng đến nay, vàng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 9,1%, đạt gần 66,5 triệu đồng/lượng.
Nếu tính ở thời điểm đầu tháng 3.2022, khi vàng miếng SJC ghi nhận mức giá tăng kỷ lục lên 74 triệu đồng/lượng, tức tăng 12,4 triệu đồng/lượng, tương ứng hơn 20% thì sóng vàng năm nay cũng khá mạnh. Tuy nhiên, so với mức giảm khoảng 30 USD/ounce so với đầu năm, xuống 1.798 USD/ounce của vàng thế giới, vàng trong nước “đi quá đà”. Sự khan hiếm nguồn cung là nguyên nhân đẩy giá trong nước cao hơn thế giới từ 13 - 20 triệu đồng/lượng tùy theo thời điểm. Thế nên dù đã giảm gần 8 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh hồi tháng 3 nhưng đa số chuyên gia đều cho rằng vàng quá rủi ro để đổ tiền vào lúc này.
Diễn biến giá USD những ngày cuối năm 2022 cho thấy Ngân hàng Nhà nước mong muốn ổn định tỷ giá ngoại tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này cũng sẽ lặp lại trong năm 2023 nên khả năng tỷ giá tăng cũng ở mức thấp, khoảng 2%. Hơn nữa, áp lực giá USD quốc tế lên tỷ giá trong nước vào năm 2023 cũng sẽ ít hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, điều này khiến USD cũng không biến động quá mạnh. Vàng miếng SJC trong năm 2022 tăng một phần đến từ tỷ giá. Theo dự báo giá vàng thế giới khó tăng cao như đợt sóng vượt mức 2.000 USD/ounce trong quý 1/2022. Những yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá vẫn chưa xuất hiện nên việc đầu tư vào vàng trong năm 2023 xem ra bất lợi hơn những kênh khác. Vì vậy vàng không hấp dẫn với nhà đầu tư, nhất là so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay đã lên trên 10%/năm.
Cũng như chứng khoán, bất động sản chưa bao giờ “rớt thảm” như hiện nay. Một số chủ đầu tư vi phạm bị khởi bố, bắt tạm giam; các kênh huy động vốn bị tắc... khiến thị trường rơi vào tình trạng mất thanh khoản nặng nề. Từ nhà đầu tư tổ chức cho tới cá nhân dù giảm giá khá sâu nhưng vẫn khó ra hàng. Nếu như lúc trước giá cao, sốt nóng dân tình đổ xô đi mua thì giờ đây, rất khó khăn để bán được, nhất là với các bất động sản có giá trị lớn. Câu hỏi “đã đến lúc tham lam hay chưa?” đang làm khó những người có sẵn tiền mặt và chờ thời từ thị trường này.
Cổ phiếu cũng như chứng khoán, dù có tăng giá ở một số mã nhưng đòi hỏi người chơi phải am hiểu chứ không phải mua cổ phiếu nào cũng thắng. Bất động sản vẫn đang bị hạn chế dòng vốn như hiện nay thì khó có thể “lướt sóng”. Tuy nhiên về dài hạn, bất động sản vẫn tăng giá vì chi phí đầu tư gia tăng, cụ thể ở đây là thuế.
Khi cho rằng tín dụng còn khó khăn thì bất động sản còn bế tắc. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là kênh đầu tư dài hạn và có tiềm năng tại VN khi nhu cầu rất cao ở nhiều phân khúc. Nếu theo tư duy đầu tư để hưởng chênh lệch giá là mua đi bán lại thì ở thời điểm này là chưa phù hợp. Nhưng nếu có tư duy đầu tư dài hạn với bất động sản là kênh bảo toàn vốn cộng với khai thác giá trị thì nhà đầu tư có thể xem xét, lựa chọn. Bởi nhìn lại 20 năm qua ở nhiều địa phương như TP.HCM, bất động sản hầu như chỉ tăng giá.
Hiện nay một số trường hợp rao bán bất động sản với giá thấp hơn trước hoặc thấp hơn giá bán của chủ đầu tư nhưng điều đó không đại diện cho nhận định bất động sản giảm giá. Hơn nữa, giá bất động sản tại VN từ trước đến nay hầu như được chào dựa trên kỳ vọng của người bán. Vì vậy theo ông, nếu mức giá giảm trong mức 15 - 20% là bình thường khi thị trường trầm lắng. Nếu người mua vẫn có kỳ vọng vào vị trí, phân khúc bất động sản nào đó phù hợp với ngân sách của mình thì cũng sẽ quyết định rót tiền đầu tư vì không thể biết được khi nào giá sẽ giảm nữa và giảm ở mức bao nhiêu…
Một ẩn số trong thời gian tới sẽ quyết định đến bất động sản và chứng khoán đó là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công. Nếu vốn đầu tư công mà triển khai mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng thì những khu vực đó sẽ có biến động về giá bất động sản. Những người có sẵn tiền, không vay mượn ai có thể “săn” những nhà đất giá rẻ và đầu tư lâu dài là hợp lý. Hoặc nhu cầu thực thì hãy mua một căn chung cư, vì thời điểm cuối năm nhiều lựa chọn sản phẩm mà giá cũng mềm hơn rất nhiều.